Trà đạo đại diện cho tinh thần hiếu khách của người Nhật Bản. Bằng cách tuân thủ các nguyên tắc và những giá trị về thẩm mỹ nhất định, bạn sẽ thấy trà đạo không chỉ mang đến hương vị trà tuyệt vời mà còn ẩn chứa những triết lý sống vi diệu của người Nhật.
Trà đạo Nhật Bản ("Sadou" hay "Chadou" trong tiếng Nhật) là một trong những nghi thức văn hoá truyền thống của Nhật Bản giúp mọi người thưởng thức trà với tư thái bình thản nhờ cách uống và triết lý trà đạo có một không hai. Ngày nay ở nhiều nơi trên nước Nhật, người ta tạo cơ hội cho mọi người thưởng thức trà đạo và trải nghiệm thực hành nghi thức trà đạo Nhật Bản, ví dụ như trong phòng trà (trà thất) ở các khách sạn, các cửa hàng bánh kẹo ngọt hay tại các sự kiện và các buổi lễ trà đạo cho du khách nước ngoài.
Trà đạo – Triết lý của người Nhật
Người ta cho rằng thói quen uống trà ở Nhật Bản được du nhập từ Trung Quốc sau khi thiền sư Eisai đưa trà từ Trung Quốc về vào cuối thế kỷ 12. Người Trung Quốc lúc bấy giờ có thói quen uống mạt trà (“matcha” trong tiếng Nhật) như một nghi thức thiền định. Matcha là một loại trà xanh được làm bằng cách nghiền lá trà thành bột bằng máy xay tay. Trà được chuẩn bị bằng cách hòa tan bột matcha (thay vì lá trà) vào nước nóng. Thói quen uống trà matcha phát triển thành nghi thức “thưởng trà” trong những buổi thiền, và cuối cùng được trà sư Sen-no-Rikyu (1522 - 1591) đổi thành "trà đạo" vào cuối thế kỷ 15. Quan niệm Thiền tông dựa trên việc duy trì trạng thái của tâm và cách thực hành để duy trì trạng thái đó. Trà đạo phát triển với vai trò là một trong những phương pháp thực hành Thiền định, và ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật đời thường ở Nhật Bản bao gồm kiến trúc, làm vườn, vẽ, ẩm thực, cắm hoa, thư pháp... Khái niệm về thiền có nguồn gốc sâu xa trong quan niệm thẩm mỹ của người Nhật.
Mục đích của trà đạo trong các mối quan hệ
Nghi thức trà đạo tạo ra một không khí giao tiếp thoải mái giữa chủ nhà và khách của mình. Đó là một nghi thức pha trà (temae) kết hợp nhiều khía cạnh văn hóa và nghệ thuật Nhật Bản: gốm sứ, kiến trúc, cách chăm sóc cây cảnh, dụng cụ pha trà độc đáo, nghệ thuật thư pháp, vẽ tranh, cắm hoa, thiền tông Phật giáo và tất cả các yếu tố khác có quan hệ hài hòa với buổi lễ. Mục đích tối thượng của trà đạo là đạt được cảm giác thỏa mãn thiêng liêng, sâu sắc thông qua việc uống trà và sự tĩnh tâm. Ở một mức độ khác, trà đạo Nhật Bản chỉ đơn giản là một hình thức thư giãn, khách được mời uống trà trong một căn phòng thoải mái. Tình bạn giữa chủ và khách trở nên khăng khít hơn trong lễ trà đạo nếu chủ nhà tự mình pha và dâng trà cho khách.
Ý nghĩa Hòa, Kính, Thanh, Tịch
Hòa, Kính, Thanh, Tịch (和 - 敬 - 清 - 寂) là bốn nguyên tắc cơ bản của trà đạo. Đó là con đường mà khi đi hết sẽ đến nơi có "trà vừa ngon vừa không ngon".
Hòa (wa) là hài hòa. Chủ nhà sẽ cố gắng mang bản chất hòa hợp với tự nhiên này vào trà thất và khu vườn xung quanh (trà viên). Các dụng cụ sử dụng trong trà đạo được hòa hợp với nhau, vì vậy ý nghĩa trà đạo cũng giống như các màu sắc có sự hòa hợp với nhau. Trà viên là sự kết hợp đa dạng các loài cây cỏ tự nhiên.
Kính (kei) là kính trọng. Khách phải tôn trọng mọi thứ, mọi vấn đề mà không phân biệt địa vị, giai cấp trong cuộc sống. Họ phải chui vào trà thất thông qua một lối nhỏ gọi là nijiriguchi (lối trườn vào). Trong thất, tất cả khách sẽ quỳ xuống và khấu đầu trước những câu liễn treo trên tường, sau đó ngồi cạnh nhau trong tư thế chính tọa (ngồi quỳ) trên nệm tatami. Sự kính trọng cũng được thể hiện bằng cách cầm quan sát chén trà và các vật thể khác một cách cẩn thận.
Thanh (sei) là thanh khiết. Một khi bước vào trà thất, mọi người phải bỏ lại sau lung tất cả những suy nghĩ và lo toan của cuộc sống hàng ngày. Trà thất là một thế giới khác, nơi người ta có thể sống chậm lại, tận hưởng sự hiện diện của người thân và bạn bè. Sự thanh khiết còn được thể hiện qua các hành động thanh tẩy các trà cụ của chủ nhà. Một trà sư đúng nghĩa không thực hiện nghi thức trà đạo theo trí nhớ mà là từ sự thanh khiết của con tim.
Tịch (jaku) là tĩnh lặng. Chỉ sau khi lĩnh hội được ba triết lý đầu (hòa hợp, kính trọng và thanh khiết) thì sau cùng mới cảm nhận được sự tĩnh lặng. Đây là một trong những lời dạy của trà sư Sen-no-Rikyu.